jeudi 17 mars 2022

RỬA TIỀN

 1. Rửa tiền là gì?





Lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí Mỹ vào năm 1973 trong vụ bê bối tài chính Watergate nổi tiếng nước Mỹ, nhưng phải đợi 5 năm sau đó thuật ngữ "rửa tiền" mới chính thức được sử dụng trong một số văn bản pháp lý của tòa án Mỹ. Thuật ngữ này trở nên phổ biến trong những thập kỉ gần đây bởi tính phổ biến và mức độ ảnh hưởng của chúng. Tổ chức chống rửa tiền quốc tế (Finance Action Task Force) đã định nghĩa hoạt động rửa tiền là:

+ Việc giúp đỡ đối tượng phạm pháp lẩn tránh sự trừng phạt của pháp luật;
+ Việc cố ý che giấu nguồn gốc, bản chất, việc cất giấu, di chuyển hay chuyển quyền sở hữu tài sản phạm pháp;
+ Việc cố ý mua, sở hữu hay sử dụng tài sản phạm pháp.

Như vậy hiểu một cách khái quát thì rửa tiền là toàn bộ các hoạt động được tiến hành một cách cố ý nhằm hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm.

2. Nguồn gốc của tiền "bẩn"?





Nguồn gốc của tiền bẩn rất đa dạng, tuy nhiên chúng cùng có chung một đặc điểm là các hoạt động phạm pháp: buôn lậu, tham ô, lừa đảo...Hoạt động rửa tiền, bề ngoài có vẻ như vô hại nhưng kì thực là loại hoạt động có tổ chức và vô cùng nguy hiểm. Rửa tiền vừa là công cụ vừa là động lực của các tổ chức tội phạm. Khi tiền bẩn được “đem rửa” thì có nghĩa là trước đó đã xảy ra các hoạt động phạm pháp. Tiền có rửa được thì các băng nhóm tội phạm mới tồn tại được và càng lao vào phạm tội để kiếm tiền bất hợp pháp. Rửa tiền là khâu cuối cùng và quan trọng nhất trong những hoạt động phạm pháp nhằm đem lại những tài khoản kếch xù.

3. Tiền được tẩy rửa như thế nào?

Các thủ đoạn tẩy rửa tiền bẩn ngày càng đa dạng, tinh vi và có tổ chức hơn nhằm "qua mặt" các cơ quan chức năng. Thông thường, tiền được tẩy rửa qua ba bước như sau:

- Nhập tiền bẩn vào hệ thống kinh tế tài chính

Mục đích của bước này là biến đổi hình thái ban đầu của các khoản thu nhập phạm pháp và tách chúng khỏi tổ chức tội phạm nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Một số thủ đoạn phổ biến là chia nhỏ khoản tiền bất chính và gửi vào các ngân hàng nhiều lần để số lượng mỗi lần không đến mức phải khai báo, mua các công cụ tiền tệ hay hàng hóa xa xỉ đắt tiền, chuyển lậu tiền ra nước ngoài, ...

- Quay vòng tiền

Trong giai đoạn này, những kẻ rửa tiền sử dụng tiền bẩn để thực hiện càng nhiều giao dịch tài chính càng tốt, đặc biệt là các giao dịch xuyên quốc gia, nhằm tạo ra một mạng lưới giao dịch chằng chịt, phức tạp và khó lần dấu vết. Tiền có thể được chuyển đổi thành chứng khoán, séc du lịch hoặc qua các ngân hàng khác nhau.

- Hội nhập tiền đã rửa vào hệ thống kinh tế tài chính

Dù tiền bẩn có được quay vòng qua bao nhiêu giao dịch thì đích đến cuối cùng vẫn là tổ chức tội phạm ban đầu. Một số thủ đoạn tiêu biểu là làm sai lệch hóa đơn trong giao dịch xuất nhập khẩu, chuyển tiền cho một ngân hàng hợp pháp thông qua một ngân hàng trá hình hay công ty ma ở nước ngoài... Sau đó những kẻ rửa tiền sẽ dùng chúng để đầu tư vào các hoạt động kinh tế hợp pháp.

Yêu cầu cơ bản để việc rửa tiền được thành công là phải khéo léo xóa được mọi dấu vết giấy tờ giao dịch. Tránh khai báo hải quan, xâm nhập, cài người vào hệ thống ngân hàng, trì hoãn cung cấp chứng từ là những thủ đoạn phổ biến giúp bọn tội phạm đạt được mục đích này.

4. Tác động của rửa tiền





Loại hình tội phạm này có ảnh hưởng tiêu cực bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống như kinh tế xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng... và từ lâu đã vươn những chiếc vòi bạch tuộc của chúng ra ngoài biên giới các quốc gia. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến ảnh hưởng của rửa tiền đến nền kinh tế vĩ mô:

- Sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm gây ra những đột biến trong cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái.
- Hoạt động kinh tế ngầm tác động xấu đến hướng đầu tư, chuyển từ các khoản đầu tư cẩn trọng sang đầu tư rủi ro cao làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
- Hoạt động rửa tiền làm giảm tính hiệu quả của các công cụ tiền tệ của chính phủ, kích thích các hành vi tội phạm kinh tế như trốn thuế, thâm ô, mua bán nội gián, gian lận thương mại, tăng tính bất ổn của nền kinh tế.
- Các giao dịch ngầm làm suy giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, gây mất lòng tin đối với thị trường.
- Hệ thống ngân hàng tài chính bị suy yếu, thậm chí có thể bị thao túng bởi các băng nhóm tội phạm.
- Các con số thống kê bị bóp méo, gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách và giảm hiệu quả điều tiết của chính phủ.

>>>Bằng những thủ đoạn tinh vi, các băng đảng tội phạm tìm cách tạo một "lý lịch sạch sẽ" cho những đồng tiền bất chính của mình. Những hoạt động này đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế vĩ mô nói chung và lĩnh vực tài chính nói riêng.

 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire