mercredi 13 mars 2024

Xu hướng sống chất lượng được giới trẻ theo đuổi

 

1. Lối sống lành mạnh - xu hướng sống chất lượng được giới trẻ theo đuổi

Có nhiều định nghĩa về lối sống lành mạnh, nhưng hiểu chung thì lối sống lành mạnh là nhận thức và hành động lặp đi lặp lại, tạo thành các thói quen tốt trong cuộc sống, nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao sức khỏe một cách toàn diện (cả về thể chất lẫn tinh thần).



Sở dĩ ngày càng có nhiều bạn trẻ theo đuổi lối sống này là vì:

  • Sống lành mạnh giúp chúng ta sống thọ hơn, ít nguy cơ bệnh tật (kể cả các bệnh truyền nhiễm và bệnh mạn tính, ung thư).

  • Sống lành mạnh giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, giảm stress/căng thẳng, nhờ vậy mà hiệu suất công việc và học tập được nâng cao, chất lượng cuộc sống cũng thay đổi đáng kể.

  • Sống lành mạnh giúp chúng ta kiểm soát cân nặng hiệu quả, tránh tình trạng thừa cân - béo phì, sở hữu vóc dáng cân đối để ngày càng tự tin hơn.

2. Thực hiện lối sống lành mạnh với 4 bước đơn giản

Bước 1: Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh không khó khăn hoặc khắt khe như nhiều người nghĩ. Điều cần thiết là bạn cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: tinh bột (cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể như gạo, bắp, khoai, mì...), chất đạm (xây dựng và tái tạo các mô của cơ thể, bao gồm đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa hoặc đạm thực vật như các loại hạt, đậu, ngũ cốc...), chất béo (dự trữ năng lượng và điều hòa hoạt động sống của cơ thể, bao gồm mỡ động vật hoặc dầu thực vật), vitamin và khoáng chất (góp phần tăng cường hệ thống miễn dịch, thường có nhiều trong rau củ và trái cây).

Đồng thời, bạn cũng cần kết hợp đa dạng các loại thực phẩm; lựa chọn thực phẩm sạch để tránh được nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu hoặc chất độc hại; ưu tiên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt; giảm tiêu thụ muối và đường; hạn chế rượu bia và nước ngọt có ga, thay vào đó hãy uống nước lọc và các thức uống lành mạnh khác (như trà xanh, nước ép, sinh tố…) sao cho đủ 2 lít nước mỗi ngày.



Bước 2: Tích cực nâng cao sức khỏe thể chất

Để thực sự có một cơ thể khỏe mạnh, thì ngoài việc ăn uống khoa học, bạn cần tích cực rèn luyện thể chất. Hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra hoạt động thể chất ít nhất 30 - 45 phút/ngày sẽ giúp tăng cường đề kháng, giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư, cải thiện chức năng của trí não, giúp giấc ngủ đến nhanh và sâu hơn.

Mỗi người nên lựa chọn một môn thể dục thể thao phù hợp (như bóng đá, bóng chuyền, yoga, bơi lội, gym, đi bộ nhanh…) và duy trì luyện tập 30 - 45 phút/ngày.

Trường hợp không có nhiều thời gian dành riêng cho tập luyện, bạn có thể tranh thủ vận động khi cần thiết. Hãy leo cầu thang bộ thay vì dùng thang máy sẽ giúp bạn tiêu hao năng lượng gấp 7 lần, làm việc nhà 2 giờ cũng giúp bạn tiêu hao 600 calo. Đặc biệt đối với nhân viên văn phòng có thể tranh thủ tản bộ vào giờ ăn trưa, hoặc đi lại trong văn phòng nhiều nhất có thể, tránh thói quen ngồi quá lâu một chỗ.

Bước 3: Bồi dưỡng sức khỏe tinh thần

Để thực hiện lối sống lành mạnh thì sức khỏe tinh thần cũng cần được quan tâm. Có thể hiểu, sức khỏe tinh thần chính là sự mạnh khỏe về mặt tinh thần. Người có sức khỏe tinh thần tốt sẽ có ý chí kiên cường, sống hạnh phúc và không bị sang chấn về mặt tâm lý nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào trong cuộc sống.

Điều quan trọng nhất là mỗi người cần có trách nhiệm với bản thân mình, hãy luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan trong mọi tình huống, sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh stress/căng thẳng. Đọc sách, nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè, tập yoga… cũng là cách để chăm sóc đời sống tinh thần thêm phong phú, đồng thời có thể chữa lành những tổn thương tâm lý - tình cảm hiệu quả.

Hãy thực hiện những điều trên và kiểm tra xem bạn có những biểu hiện sau đây không, nếu có thì xem như thành công nhé:

  • Bạn cảm thấy hào hứng khi bắt đầu một ngày mới.

  • Bạn luôn tự tin khi ngắm mình trong gương.

  • Bạn thường xuyên mỉm cười với mọi người xung quanh.

  • Bạn cảm thấy ăn ngon miệng và ngủ yên giấc.

  • Bạn có thể suy nghĩ tích cực ngay cả trong tình huống tiêu cực và hiếm khi phiền muộn quá 1 ngày.

Bước 4: Khám sức khỏe định kỳ, chủ động ngừa rủi ro

Nhiều người trẻ ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Thói quen này nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe chung, đồng thời phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn ngay từ giai đoạn khởi phát và chữa trị kịp thời. Chưa kể, kiểm tra sức khỏe định kỳ còn góp phần cải thiện lối sống, bác sĩ cho bạn những lời khuyên thực hiện lối sống lành mạnh và tránh các thói quen nguy hại.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire