mercredi 13 mars 2024

NGƯỜI XƯA SỢ VỢ

Nói tới dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, chắc nhiều người sẽ nhớ đến thi hào Nguyễn Du (1766-1820) với tác phẩm “Truyện Kiều” nổi tiếng. Tác phẩm như lời chia sẻ sâu sắc của tác giả đối với thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nhưng chắc ít người biết dòng họ này còn có một nhà văn khác đứng lên nói ra tiếng lòng của người “phụ nam” trong xã hội đương thời. Đó là Nguyễn Hành (1771-1824) với tác phẩm “Cụ nội giả ký” (Bài ký về kẻ sợ vợ). Tác phẩm này chính là văn kiện mang tính lý luận hết sức quan trọng cho những người sợ vợ.

...

Đầu tiên, Nguyễn Hành đưa ra một định nghĩa về sợ vợ. Theo ông, sợ vợ là “sợ vợ mình thôi, không phải là sợ vợ người ta”. Nguồn gốc của sự sợ vợ là quan điểm về “khí” và “hình” cũng như quan điểm về âm dương.

Nguyễn Hành dẫn “Âm phù kinh” của Quỷ Cốc tiên sinh (thầy của Tôn Tẫn, Bàng Quyên). Trong đó nói rằng “loài vật khắc chế nhau là do khí”, vì vậy con chuột bay ngang có thể chặn đường con vượn, mà con nhặng xanh có thể ăn thịt được hổ. Đạo lý này cũng áp dụng cho con người.

Chồng mà phải nhún nhường với vợ cũng còn do âm dương quyết định. Nguyễn Hành nói khi biểu thị cho “dương” người ta vẽ một gạch, khi biểu thị cho “âm” thì phải vẽ đến hai gạch. Điều đó cho thấy “âm” (tượng trưng cho nữ) mạnh hơn “dương”. Bằng chứng là khi thánh nhân viết kinh Dịch, đã ra sức nâng cao “dương” và đè nén “âm”. “Dương” phải yếu thì mới cần nâng cao, “âm” phải mạnh thì mới cần đè nén lại. Do đó sợ vợ chính là đạo lý trời đất từ thời cổ xưa, do âm dương quy định. Sợ vợ là “do khí vận, rồi mới khiến người ta lây nhiễm lẫn nhau, không phải do có gan hay không có gan vậy”.

Nguyễn Hành còn nói “không thể bảo kẻ sợ vợ không phải là trượng phu. Từng thấy có kẻ hung hãn, giết người như ngóe, không thèm tránh né cái chết, mà còn sợ vợ. Cũng có người được tôn làm chủ soái, lâm trận chạm địch, ý tứ an nhàn, địch mạnh ập tới vẫn bất động, có thể gọi là đại dũng rồi, mà còn sợ vợ”.

Theo chỗ ông thấy, nhà nào sợ vợ thì hoặc tôn quý, hoặc giàu có và cũng có thể tránh được họa. Thứ nhất, nếu sợ vợ thì thân thích, bạn bè không dám tới nhà ăn nhậu, như vậy sẽ đỡ tốn tiền và dần dần có dư. Thứ hai, nếu đem cách phụng sự vợ nhà ra phụng sự quan trên, thì quan trên sẽ vui lòng và đề bạt lên cao. Thứ ba, sợ vợ là biết khiêm nhường, khiêm nhường thì không bị người ta ghét, và sẽ tránh được tai họa. Tóm lại mà nói, sợ vợ không phải là hèn nhát, mà có đạo lý sâu sắc của nó. Như Lão Tử nói: “Tri kì hùng, thủ kì thư, vi thiên hạ khê” - tức là biết chỗ mạnh mẽ của mình, nhưng lại thể hiện ra mặt nhu hòa của mình, thì sẽ truyền cảm hứng cho thiên hạ noi theo. Ta sợ vợ không phải vì ta yếu đuối, mà là vì ta đủ mạnh để sợ vợ.









!!! CODE: jIwcdvmywZfVdRp8Znr7mA

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire